Tổng Bí thư Tô Lâm có quyền uy bao trùm trong Đảng như đồn đoán hay không?

tôn

Tại Hội nghị Trung ương “bất thường” ngày 16/8, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị, và Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc được bầu vào Ban Bí thư.

Tại sao, Bộ trưởng Lương Tam Quang với chỉ hơn 3 năm làm Ủy viên Trung ương Đảng, chưa đủ một nhiệm kỳ, chưa đủ điều kiện để tham gia Bộ Chính trị theo Quy định 214, nhưng vẫn trở thành Ủy viên Bộ Chính trị?

Tương tự ông Quang, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc cũng vậy.

Công luận đặt câu hỏi: Tại sao, cả 2 nhân vật Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc – những đệ tử thân tín, và là đồng hương Hưng Yên của Tô Tổng, lại có “đặc quyền” ghê gớm như vậy?

Trên mạng xã hội, có nhiều ý kiến cho rằng, điều này thể hiện sức mạnh quyền lực “vô đối” của ông Tô Lâm và phe cánh. Vũ khí lợi hại nhất của Bộ Công an, là hệ thống hồ sơ “nhúng chàm” của tất cả các quan chức cấp cao, từ Trung ương đến địa phương.

Đó là lý do, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt các ủy viên Bộ Chính trị bị cho thôi chức, hoặc miễn nhiệm, bao gồm: Phạm Bình Minh, Nguyễn Xuân Phúc, Trần Tuấn Anh, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai, và Đinh Tiến Dũng.

Nếu chiếu theo tiêu chuẩn Quy định số 105-QĐ/TW, về công tác nhân sự, ngày 19/12/2017, Bộ Chính trị có quyền phân công công tác, cũng như chỉ định các cán bộ lãnh đạo do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Theo đánh giá của giới quan sát, cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm nhận được sự ủng hộ rất thấp từ tập thể lãnh đạo cấp cao của Đảng.

Với nguyên tắc tập trung dân chủ, Nghị quyết của tập thể lãnh đạo mọi cấp, đều thuộc về tỷ lệ biểu quyết của số đông. Khả năng Tô Tổng hoàn toàn “dắt mũi” được Bộ Chính trị và Ban Bí thư, là rất khó.

Nhất là trong bối cảnh hiện nay, có một bộ phận lãnh đạo cấp cao chiếm đa số trong Đảng, đang nỗ lực tập hợp lực lượng, để chống lại ý muốn thâu tóm và độc chiếm quyền lực của Tô Tổng.

Ông Lương Cường và ông Trần Cẩm Tú vẫn thăng tiến, trái với những đồn đoán cho rằng, 2 nhân vật này sẽ bị “trảm” đầu tiên, sau khi ông Tô Lâm lên cầm quyền.

Việc cho rằng, ông Tô Lâm có quyền lực vô đối, thừa khả năng tự tung tự tác, tới mức, muốn làm gì thì làm, có vẻ như là điều không có thật.

Việc Bộ Chính trị quyết định đưa ông Lương Tam Quang vào Bộ Chính trị, và ông Nguyễn Duy Ngọc tham gia Ban Bí thư, là không đúng theo quy định về công tác nhân sự của Đảng, cụ thể là Quy định 214-QĐ/TW. Theo đó, nhân sự phải đáp ứng yêu cầu là ủy viên Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên; đã kinh qua một trong các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, hoặc tương đương.

Tiêu chuẩn vừa kể được gọi là “tiêu chuẩn cứng”, bắt buộc phải hội đủ và không có trường hợp ngoại lệ mà được gọi là “trường hợp đặc biệt”. Nó chỉ áp dụng cho các vị trí cao hơn như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và Thường trực Ban Bí thư.

Việc cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc sinh thời đã đưa ra nhiều quyết định về nhân sự, theo lối “đẽo chân cho vừa giày”, như câu chuyện “trường hợp đặc biệt”, của Quy định 214 là một ví dụ.

Cái gọi là “trường hợp đặc biệt” đã giúp cho ông Trọng trở thành Tổng Bí thư liên tiếp 3 nhiệm kỳ. Đây là sự lạm dụng quyền lực một cách tùy tiện, khó có thể chấp nhận được.

Tô Tổng Bí thư và phe cánh đã thành công trong trường hợp của Bộ trưởng Lương Tam Quang, cũng như Chánh văn phòng Trung ương Nguyễn Duy Ngọc, cũng do “may mắn” thừa hưởng sự tùy tiện của người tiền nhiệm.

Có lẽ, quyền uy bao trùm trong Đảng của ông Tô Lâm, cũng không phải là quá lớn như đồn đoán.

 

Trà My – Thoibao.de