Tân Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ xoay sở ra sao trong việc “nội trị” và “đối ngoại”?

Ngày 9/8, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận của blogger Nam Gia “Liệu ông Tô Lâm có thành công hay không?”.

Tác giả so sánh, ông Võ Văn Thưởng trúng cử chức Chủ tịch nước với tỉ lệ 98,38%, ông Tô Lâm vượt lên, theo tỉ lệ 99,97%; Tổng Trọng khi được bầu làm Chủ tịch nước, tỉ lệ 99,97%, ông Tô Lâm đạt mức 100%.

Như vậy, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đảng Cộng sản, tân Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Tô Lâm là người duy nhất đạt được sự tín nhiệm đến mức tuyệt đối.

Tác giả cho biết, trong 2 vai trò mới, ông Tô Lâm đã nhận được lời chúc mừng của nhiều quốc gia. Giới quan sát nhận thấy, có 2 quốc gia “đang khó ở với nhau” là Hoa Kỳ và Nga, đều gửi lời chúc mừng.

Tác giả trích dẫn báo Thanh Niên, cho hay, trong cuộc họp báo sáng ngày 3/8, “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng như thời gian qua, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm…”.

Hệ quả là, một loạt cán bộ cấp cao bị đề nghị kỷ luật, trong đó có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Trước đó, ngày 3/8, ông Khái đã bị cho các thôi chức vụ trong Đảng, cùng nhiều cán bộ cấp cao khác: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Quốc Khánh; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký; Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm.

Khác với các ông phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, ông Khái bị chỉ đích danh sai phạm trong dự án “Khu đô thị Đại Ninh” thuộc tỉnh Lâm Đồng. Điều này gần như đồng nghĩa rằng, ngoài việc phải chịu kỷ luật Đảng, ông Khái còn phải đối diện với quan tòa về các vi phạm bị nêu ra.

Tác giả nhận xét, bước đầu, ông Tô Lâm cho thấy sự thành công trong vấn đề “nội trị”, với tư cách tân Tổng Bí thư – Chủ tịch nước. Đây cũng là mô hình của ông Tập Cận Bình ở Trung Quốc, từ năm 2013 đến nay.

Một trong các ưu điểm của chế độ độc tài toàn trị, là tạo ra được ê kíp ưng ý, để khai triển tư tưởng.

Tác giả cũng cho biết, tại Đại hội 14 của Đảng Cộng sản Việt Nam, sẽ diễn ra vào tháng 1/2026, việc sửa đổi Điều lệ Đảng là một phần quan trọng. Do đó, giới quan sát có lẽ cũng trông ngóng vấn đề này, để tìm xem “Tư tưởng Tô Lâm”.

Ông Tô Lâm có thể được xem là nguyên thủ quốc gia có thực quyền đầu tiên của Việt Nam, tính từ nửa thế kỷ qua. Tuy vậy, với vai trò một nguyên thủ quốc gia, hầu hết những nhà nghiên cứu đều đồng thuận rằng, sự thành công hay thất bại của lãnh đạo, phải thể hiện qua 2 lĩnh vực “Nội trị và Đối ngoại”.

Tác giả nhận định, với quyết tâm sắt đá chống tham nhũng, Tô Tổng cho thấy có hy vọng hơn một chút. Tuy nhiên, văn hóa Việt Nam có câu “Một người làm quan cả họ được nhờ”. Liệu ông Tô Lâm có vượt qua nổi hàng rào kiên cố này không? Có lẽ cần thêm một khoảng thời gian.

Về chính sách “Đối ngoại” được ghi trong Cương lĩnh Đảng Cộng sản Việt Nam và Hiến pháp, cũng như các bộ luật liên quan, thì việc “Việt Nam muốn làm bạn với thế giới”, cùng chính sách “Bốn Không”, chắc chắn sẽ gây khó khăn rất nhiều cho Tô Tổng. Trong khi đó, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, với sự ủng hộ của Hoa Kỳ và phương Tây đối với Ukraine, dễ khiến cho ông Tô Lâm rất khó xử, bởi bên nào cũng là “bạn tốt”.

Nước Nga đã là “đối tác chiến lược toàn diện” của Việt Nam từ năm 2012, còn Hoa Kỳ vừa có tư cách đó vào năm 2023.

Cũng như vấn đề “Nội trị”, có lẽ cần thêm một khoảng thời gian, để ông Tô Lâm tỏ rõ tài năng trong vấn đề “Đối ngoại”. Bởi việc phủ nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, mới đây từ Hoa Kỳ, là kết quả của người tiền nhiệm, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

 

Minh Vũ – thoibao.de