SỐ 0

Không cần đến vụ bắt Phan Kim Khánh mới đây hay vụ bắt bớ blogger Mẹ Nấm và Hồ Hải người ta mới thấy tự do ở nhiệm kỳ này bị hạn chế ra sao. 

Với việc một “đại biểu” đăng đàn chỉ đạo quốc hội ngày khai mạc và việc chỉ có hai đại biểu là ứng viên “tự do” trên tổng số 496 đại biểu quốc hội khoá này đã phát đi tín hiệu cho thấy không gian chính trị những năm tháng tiếp theo chẳng những không được cơi nới ra mà sẽ ngày càng siết chặt lại. Lẽ ra khi “bất ngờ” được tín nhiệm thêm một nhiệm kỳ nữa, khi đã loại được những đối thủ chính trị lớn nhất để trở thành nhân vật có khả năng khuynh loát cả Bộ Chính trị, ông Trọng phải đưa ra lộ trình cải cách như kỳ vọng của dân chúng nhưng những động thái gần đây cho thấy ông Trọng thực chất chỉ là người đam mê quyền lực hơn là thực tâm muốn cải cách đất nước. Đành rằng chống tham nhũng là việc làm quan trọng mà bất kỳ người đứng đầu quốc gia nào cũng phải hành động và ở đất nước treo cổ những tên tham nhũng bao giờ cũng làm nức lòng đám đông hiếu kỳ nhưng cái mà người dân cần hơn cả là quy trình của công lý chứ không phải quy trình “hốt liền không nói nhiều”. Còn nhớ nhiệm kỳ trước, ông Bá Thanh, người đã để lại “di sản” khổng lồ cho gia đình và phe cánh ở Đà Nẵng như vậy mà cũng được lôi ra Ba Đình để trao “thượng phương bảo kiếm” càng cho thấy chống tham nhũng thực chất chỉ là tấm bình phong che đậy cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm ở hậu trường. Với việc thò chân vào thường vụ Bộ CA và việc lần đầu tiên một uỷ viên bộ chính trị, ông Đinh La Thăng bị kỷ luật và mất chức bí thư TP lớn nhất nước, ông Trọng đã trở thành TBT quyền lực nhất trong nhiều năm gần đây nhưng quyền lực lớn thì trách nhiệm cũng phải lớn theo. Những năm trước, sau những vụ bắt bớ, người ta còn tranh cãi về thế lực nào cố bôi xấu hình ảnh Việt Nam , giờ người ta biết sẽ nghĩ đến ai đầu tiên. Một cái cây mục rỗng tận gốc rễ thì tỉa tót cành không thể làm lá xanh trở lại. Một hệ thống bị lỗi ngay từ khâu thiết kế thì thay vài con ốc không làm cho bộ máy vận hành trơn tru được. Nếu khi rời chiếc ghế quyền lực nhất, dù có giữ được hình ảnh “trong sạch” đến đâu chăng nữa thì dân sẽ vẫn nhớ hơn cả, rằng thời mà ông cai trị là thời mà tự do ngôn luận bị bóp nghẹt và là thời mà nhiều tiếng nói ôn hoà bị bắt bớ nhiều nhất. Từ đây khi về khoác áo dân, nếu VN vẫn chưa có được lộ trình cải cách để hội nhập với thế giới văn minh thì dù có “đả” được bao nhiêu “con hổ” chăng nữa thì sự nghiệp chính trị của ông, cũng không khác những người tiền nhiệm là bao, chỉ là một con số 0 tròn trĩnh.

Lê Trọng Vũ