CHÍNH KHÁCH

Một ngày mùa đông, trong căn phòng nhỏ được trải bằng những tấm tatami ngăn nắp, bốn người đàn ông trong trang phục hakama đang toạ thiền, mặt đối mặt trong không gian hoàn toàn tĩnh lặng, đến mức có thể nghe được cả những bông tuyết đang rơi trắng xoá ở khu vườn ngoài kia. 

Đây không phải buổi yoga bình thường mà là giờ “Thiền tâm” – một phần trong chương trình đào tạo tại Viện Matsushita, viện quản trị danh tiếng chuyên đào tạo chính khách tương lai của Nhật Bản.

Tất cả các học viên ở đây phải tuân thủ chương trình đào tạo đặc biệt, ngoài khả năng đi bộ 100km trong 24 giờ hay diễn thuyết trước đám đông, học viên còn học kendo (kiếm thuật), zazen (toạ thiền) và trà đạo với sự thanh nhã đỉnh cao. Để trở thành một chính trị gia tương lai, học viên phải hiểu rõ lịch sử và văn hoá đất nước. Bởi chỉ khi nắm vững và thấm nhuần văn hoá truyền thống, nhà lãnh đạo mới đủ tầm vóc và khả năng tham gia các vấn đề nghị sự của thế giới.

Không chỉ phương Tây, môi trường giáo dục ở nhiều nước châu Á cũng bắt đầu chú trọng và bồi đắp những cá nhân có tố chất lãnh đạo ngay từ nhỏ. Ngoài kiến thức về chính sách công, kỹ năng ứng xử với truyền thông thì phong thái lịch lãm còn là tiêu chuẩn mà người đại diện một quốc gia cần phải có. Hình ảnh ông Khải cầm giấy run run đọc khi lần đầu thăm Nhà Trắng hay cách ông Bush đùa với truyền thông “cỡ giày số 10” sau pha ném trứ danh của một phóng viên Iraq cho thấy, việc lãnh đạo được đào tạo bài bản là cần thiết như thế nào.

Chính khách là người làm chính trị, mỗi quyết định ảnh hưởng đến cả xã hội nên ngoài “biết lý luận”, để được lựa chọn, ứng viên phải bước lên “sàn đấu, “so găng” với nhiều đối thủ, trước con mắt xăm soi của giới truyền thông và hàng triệu cử tri khó tính khác chứ không phải trong phòng kín, bởi một nhóm nhỏ nào đấy.
Chính khách không đơn thuần là người nhiều quyền lực, hơn thế, ngoài cái đầu lạnh, họ cần một trái tim nóng. Ngay khi quốc gia gặp thảm hoạ, chính khách phải là người đầu tiên xuất hiện để an dân. Không cần nhiều, một kế hoạch hành động, một lời động viên chân thành hay một cái nắm tay chia sẻ là đủ để thu phục nhân tâm và gia tăng tỷ lệ ủng hộ.
Tháng 10-2012, ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống một tuần, ông Obama đã nhanh chóng huỷ lịch trình vận động tranh cử đang hồi gay cấn ở Florida để quay về Washington trực tiếp chỉ đạo ứng phó với siêu bão Sandy. Ông liên tục có mặt tại Phòng tình huống, họp trực tuyến với các lãnh đạo địa phương, không màu mè bằng diễn văn lấy nước mắt, Tổng thống nhanh chóng đưa ra các gói giải pháp hết sức thực tế và liên tục cam kết với người dân vùng bão “Nước Mỹ luôn ở bên các bạn”. 
Trước khi siêu bão đổ bộ, tỷ lệ ủng hộ ông Obama còn thấp hơn ứng viên Cộng hoà Mitt Romney nhưng cách điều hành chính quyền tuyệt vời trước cơn siêu bão mạnh thứ hai trong lịch sử Mỹ là một trong những nhân tố chính giúp vị Tổng thống da màu lật ngược thế cờ.

Đối với khủng hoảng tầm quốc gia, chính khách tồi xem đấy là nguy cơ còn chính khách lão luyện thấy đó là cơ hội. Chính trị, xét cho cùng là những sân khấu mà chính khách là người nghệ sĩ trình diễn năng lực của mình. “Cháy hết mình” với những “vai diễn” để đời, chính khách tử tế luôn được công chúng yêu mến, còn núp trong bóng tối, trơ ì trước đòi hỏi của nhân dân thì không phải là chính khách, dù quyền lực lớn đến đâu. Họ, đúng hơn chỉ là phường tuồng chèo mà thôi.

 

 

Lê Trọng Vũ